top of page
Search
Writer's pictureEthan Do

"Chiến binh cầu vồng" - quyển sách khiến tôi khóc như đứa trẻ trên đường về

Tựa gốc: Laskar Pelangi

Tựa dịch: Chiến binh cầu vồng

Tác giả: Andrea Hirata

Dịch giả: Dạ Thảo


Tôi vẫn còn nhớ như in cái lần tôi lén một mình trong phòng, đọc nốt vài trang cuối của quyển "Mắt biếc" và khóc hùi hụi cho cái đồng cảm của tên Ngạn "ngốc" dành cho "con chim chóng chán lối mòn" Hà Lan. Cái cảm xúc ấy còn lại trong tôi như một cái cười nhạt cho mối tình tương tư tuổi 17 đầy ngây ngô, và cũng đầy chua chát của tôi. Đó là lần đầu tiên tôi khóc khi đọc một cuốn sách, nói đúng hơn là lần đầu tôi thấu được nỗi đau của cuộc đời nhân vật bằng nét mực in mờ trên sách. Và sau đó hơn 5 năm sau, tôi lại hiếm hoi tìm được cái cảm xúc ấy qua một tác phẩm như trên tựa đề, quyển sách "Chiến binh cầu vồng" của Andrea Hirata.



Chẳng qua là mấy bận nay, tôi cũng lười đọc sách, cái thói quen chỉ ùa về khi tôi thấy do là điểm chung của mình và "crush". Thật nực cười nhưng lần nào cũng vậy. Tôi vốn chẳng là kẻ hay đọc sách, mà đọc cũng kén chọn lắm cơ, mấy cuốn dạy cách sống, dạy cách làm người tôi đọc chẳng vào. Tôi thấy hào hứng hơn với những câu chuyện ngắn, tiểu thuyết hay tản văn hơn, vì ở đó tôi được thõa sức vẫy vùng với trí tưởng tượng của mình thay vì cứng nhắc với các nguyên tắc sống được in hằn trên trang sách. Và đó cũng là cách tôi tìm đến "Chiến binh cầu vồng" từ lời giới thiệu lâu lắc hồi năm nhất của cô giáo dạy Tiếng Anh tằng cường và lời đánh giá trên mạng. Lần lữa lắm nhưng rồi cơ duyên cũng tới khi tôi nhận được mã nhận sách nói miễn phí tại một hội chợ sách. Khá vui, và cũng là lần đầu tôi đến với thể loại sách nói, thể loại mà trước đây tôi luôn hoài nghi về sự truyền đạt câu chuyện của nó đến độc giả. Ấy thế mà, sách nói lại là một phương thức nhẹ nhàng và phù hợp nhất với kẻ không-có-khả-năng-sắp-xếp-thời-gian như tôi. Đó cũng là lý do có cụm "khóc như đứa trẻ trên đường về" ở tựa đề.


Nói thật lòng tôi không dị ứng lời than, nhưng mà bằng một cái niềm tin nào đó tôi lun tin rằng khi bạn than điều gì quá nhiều nó sẽ gắn với bạn mãi. Đó cũng là cách tôi "cố gắng vượt qua" ở gần nửa đầu cuốn sách. Tôi hiểu rằng đâu đó tác giả muốn nhấn mạnh cái nghèo cùng cực của vùng đảo Belitong, nơi người dân nghèo phải tranh đấu mỗi ngày để giành quyền tồn tại. Tuy nhiên, những lời than như "tồi tệ", "đói nghèo" lại khiến tôi phát ngấy với những sự kêu ca. Dù vậy, tôi vẫn thấy đây là cách hiệu quả để khắc ghi trong đầu người độc giả như tôi về sự cùng cực của hoàn cảnh nơi đây.



Tôi tin rằng một điều cuốn sách đã làm rất tốt, chính là đem đến cho người đọc những chuyến phiêu lưu sống động của các chiến binh nhỏ tuổi với cuộc đời, với kế sinh nhai qua ngày, với những giá trị tinh thần mạnh mẽ. Mahar và Flo, hai cô cậu với niềm tin riêng về huyền học, về những sự kì diệu của thế giới tâm linh, nơi mà ngay cả chuyện biến điểm 0 thành điểm 10 cũng là khả năng thường tình của phép thuật. Hai đứa nhỏ cùng nhóm "dị giáo" mà chúng nó lập ra, Societeit de Limpai, tôn thờ và kính trọng đức Tuk Bayan Tula một cách mù quáng và không có gì thay đổi được nổi sợ hãi hay niềm tin về gã với chúng nó. Một chuyến đi với sự "chắt chiu", "bằng mọi cách để kiếm tiền" thuê chiếc thuyền chạy đến hòn đảo Hải tặc nơi Tuk Bayan Tula sinh sống, chỉ để hỏi cách thi đậu kì thi học kì của Mahar, tất cả cũng đủ chứng minh cho sự "tôn thờ mù quáng" của chúng nó với thế giới siêu nhiên như thế nào.


Gây ấn tượng mạnh với chi tiết điều kiện để ngôi trường Muhammadiyah không phải đóng cửa đó là phải có một lớp có tối thiểu 10 em học sinh. Cảnh cô Mus, thầy Harfan và những em học sinh còn lại cùng phụ huynh nơm nớp lo sợ về nguy cơ bị đóng cửa trường khi chỉ có 9 em học sinh ở sân trường ngày khai giảng. Và nỗi lo ấy lại bị biến tan bởi sự xuất hiện của Harun, một cậu bé kém phát triển, với tâm hồn của một học sinh tiểu học trong thân xấc một cậu thanh niên 15 tuổi. Một điều quyển sách nêu bật thông điệp tư tưởng xuyên suốt rằng hãy khát khao giành lấy quyền cơ bản của con người - quyền được đi học. Tôi đã khóc khi chứng kiến sự đấu tranh dành lấy cơ hội được tiếp cận con chữ, như cách chúng nó khao khát giành lấy tia sáng cuối cùng nơi đường hầm thoát khỏi vũng lầy của "cái nghèo". Tôi ấn tượng nhưng chắc tôi sẽ không khơi ra nhiều hơn những chi tiết đắt giá ấy đâu, tôi tin quý vị sẽ có cái nhìn trực quan hơn nếu đọc từng con chữ, cảm nhận từng cái khó khăn ẩn sau những nét mực in trên giấy, và biết đâu sẽ thấy được nội lực khát khao tri thức mạnh mẽ vượt ra khỏi biên giới của trang sách, xuyên thẳng đến lòng trắc ẩn mỗi độc giả.


Tôi đã lần lữa khi viết về những dòng review sách này. Tôi đã ngâm nó "chua" hơn dưa muối mẹ tôi ngâm mấy lần, để có thể viết ra những từ ngữ cô đọng này. Tôi thích được viết nhưng có lẽ tư duy trì hoãn, điều mà tôi luôn muốn loại bỏ, vẫn cứ bám lấy và ngăn cho tôi không làm điều này đúng hạn. Nhưng tôi mong rằng những dòng văn này không đơn giản sẽ giúp quý vị tò mò về quyển sách, mà giúp cho quý vị tăng thêm cơ hội đến nhà sách, tìm nó và đọc nó ngẫu nhiên một vài trang, biết đâu quý vị sẽ cân nhắc mua nó, trải nghiệm cùng với tôi những câu chuyện bên trong gần 430 trang sách này.



Tôi tin rằng cách cuốn sách khai thác cuộc sống ở những góc nhìn đa dạng, từ câu chuyện của giáo dục, câu chuyện của đức tin, câu chuyện tình yêu đến cả câu chuyện vươn lên sống sẽ tạo cho quý độc giả độc lực nhất định về những điều ở tương lai của mình. Tôi cũng tin rằng chính cái cách kết thúc mở, cũng là một điều thú vị về những trăn trở về số phận của 11 đứa trẻ ấy sẽ như thế nào khi chúng trưởng thành. Có chăng là những hoài bão được hiện thực hóa, có chăng là những ước mơ còn giang dở, hay phải chăng là sự vùi lấp thầm lặng cho những vọng tưởng xa vời.



Tôi tiếc. Tôi trân trọng. Tôi yêu. Thành phố Hồ Chí Minh, một chiều cuối thu, tôi hoàn thành ở một nơi quen thuộc, dưới cái lạnh 18 độ Celcius của máy lạnh. Trời âm u, sẫm tối, đạm màu, thong dong viết vài dòng non nớt.


Chào tạm biệt. Tôi là Ethan Đỗ và hôm nay là Thứ Hai ngày 28.10.2020.


33 views0 comments

Comentarios


bottom of page